• Tiềm năng và lợi thế phát triển vận tải biển gắn liền với dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics ở nước ta
Biển Đông là một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là con đường giao thương quốc tế chiến lược, có 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới đi qua. Và vùng biển Việt Nam án ngữ trên con đường này. Dọc bờ biển nước ta có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có nhiều nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; hệ thống cảng biển Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đã hình thành được 3 trung tâm cảng ở phía Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh), miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang) và ở phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong các trung tâm cảng, cũng đã hình thành cửa ngõ quốc tế như cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải đã được đầu tư xây dựng và đang khai thác gồm 17 cảng biển loại 1; 25 cảng biển loại 2; 13 cảng biển loại 3; bao gồm 219 bến/khu bến với 373 cầu bến (213 bến cảng tổng hợp, container với chiều dài cầu bến 35.900m, 160 bến cảng chuyên dùng). Ngoài ra, còn có 07 trung tâm logistics, 19 ICD đã đi vào hoạt động và có khoảng hàng trăm kho bãi nằm ngoài phạm vi cảng, hiện tại cả nước đã có khoảng 90 cảng biển lớn nhỏ, nhiều quần đảo có tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp, đây cũng là những tiềm năng lợi thế để chúng ta quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng có thể đem lại những giá trị kinh tế to lớn cho đất nước như dịch vụ vận tải biển, đảo trong nước và quốc tế, dịch vụ cảng biển, đảo, dịch vụ logistics, dịch vụ sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, cùng với đó là hệ thống kho bãi cũng phát triển theo nhịp độ tăng trưởng của lượng hàng hóa thông qua cảng biển.
• Tình hình phát triển dịch vụ cảng biển và logistics.
Mặc dù được đánh giá là còn khá non trẻ nhưng trong thời gian qua ngành dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tổng chi phí chi logistics hàng năm ước khoảng 8-11 tỷ USD, tương đương 20 – 25% GDP. Tuy nhiên theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi phí logistics của Việt Nam thuộc loại khá cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới như Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8%, Mỹ là 7,7%. Chi phí logistics càng giảm theo cấp độ phát triển của nền kinh tế: ở các nước phát triển chi phí logistics chiếm khoảng 10 – 13% GDP, các nước đang phát triển khoảng 15 – 20%, trong khi nước ta là 20-25% GDP, với nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể hơn 30%. Nếu xét về sức hấp dẫn của thị trường dịch vụ logistics thì con số này thật ấn tượng, nhưng nếu xét về mặt kinh tế thì con số này cho thấy hệ thống logistics tại Việt Nam hoạt động kém hiệu quả.
Như vậy nếu so sánh hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics Việt Nam và Singapore trong bảng xếp hạng thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 53 về hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics. So với vị trí thứ 1 của Singapore, thì Việt Nam vẫn còn ở tương đối xa. Còn nếu so sánh riêng trong khu vực ASEAN, thì Việt Nam ở vị trí thứ 5 sau cả Malaysia, Thailand và Indonesia. Ở vị trí này, hệ thống logistics của Việt Nam được đánh giá trung bình. Trong khi lợi thế về tiềm năng của nước ta về phát triển cảng biển và dịch vụ logistics hơn hẳn so với các quốc gia xếp hạng cao hơn.
Hiện Việt Nam có trên 1.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động logistics với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 20 – 25%. Theo xếp hạng năng lực quốc gia về logistics của ngân hàng thế giới, Việt Nam đứng thứ 53/155 nước. Mặc dù có số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng hầu hết là quy mô rất nhỏ, vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức đơn giản, thiếu chuyên sâu, chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và chủ yếu thực hiện dịch vụ cho các công ty nước ngoài.
Theo Cục hàng hải Việt Nam, năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 370,3 triệu tấn, trong đó hàng container, đạt 10,24 triệu TEU, tăng 20,1% so với năm 2013. Tuy nhiên, hàng hóa phân bổ không đều giữa các nhóm cảng và giữa các cảng biển trong nhóm. Nhóm cảng biển số 1 hiện đã quá tải. Tại nhóm cảng biển số 5, khu vực Cát Lái TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng tắc nghẽn, trong khi một số cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải thiếu hàng, hoạt động cầm chừng.
Các doanh nghiệp vận tải biển vẫn trong giai đoạn kinh doanh khó khăn do giá cước thấp, khan hiếm nguồn hàng, chi phí nhiên liệu tăng cao; sự liên kết giữa các hãng tàu, chủ hàng; nguồn tài chính khó khăn; nguồn nhân lực yếu và thiếu; do đó hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương bị phá sản, các doanh nghiệp lớn của Nhà nước cũng lâm vào tình trạng thua lỗ, nợ nần… Những hạn chế trên đây do một số nguyên nhân chính như: Cơ cấu hệ thống cảng biển còn chưa hợp lý; hiện tượng quá tải cảng biển có xu hướng tăng dần; sự kết nối nội địa kém.
Theo Tổng cục hàng hải Việt Nam hiện tại 90% các dịch vụ vận tải biển của nước ta là do các công ty vận tải nước ngoài, còn các công ty dịch vụ vận tải của ta chỉ chiếm khoảng 10% thị phần mà chủ yếu là ở các tuyến nội địa, còn tuyến viễn dương thì hầu như vắng bóng; đây là một thực tế của một quốc gia sở hữu trên 3 ngàn km bờ biển và đường hàng hải quốc tế.
Nhìn chung dịch vụ cảng biển và logistics ở nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năm 2012, xuất khẩu dịch vụ vận tải đạt 2,1 tỷ USD nhưng nhập khẩu dịch vụ vận tải tới 8,7 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn mất thị trường dịch vụ vận tải cho nước ngoài. Hơn nữa chi phí vận tải của Việt Nam đắt đỏ hơn với nhiều nước trong khu vực, nhưng các chi phí phát sinh khác như kẹt đường, kẹt cầu, chi phí vận chuyển cao… cũng khiến cho ngành logistics gặp không ít khó khăn, hệ thống máy cẩu ở các cảng hiện nay đã quá lạc hậu, tốc độ bốc dỡ chỉ đáp ứng khoảng 12 – 18 container/giờ, trong khi ở Singapore tốc độ lên tới trên 100 container/giờ. Ngay cả hệ thống vận tải vào kho cảng hiện nay cũng rất ách tắc. Nhiều chuyên gia lo ngại logistics của Việt Nam đang ngày càng lạc hậu so với ngay cả các nước trong khu vực, mặc dù tiềm năng ngành này là rất lớn; mặc khác ngành đào tạo về lĩnh vực dịch vụ logistics ở trong nước hiện nay cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Trả lời